SMIC: Nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc thách thức lệnh trừng phạt của Mỹ
SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đang nỗ lực vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ tại nhà máy hiện đại ở phía đông Thượng Hải. Công ty này sản xuất những con chip siêu nhỏ, chỉ dày bằng 1/15.000 so với tờ giấy, mang sức mạnh tính toán cho các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và mạng 5G.
Khả năng này đặt SMIC vào vị trí then chốt trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, bởi chip tiên tiến đóng vai trò quan trọng đối với cả thương mại và quân sự. Mỹ đã đưa SMIC vào danh sách hạn chế hợp tác năm 2020, khiến nhiều khách hàng chuyển sang đối thủ vì lo ngại về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, SMIC vẫn còn hàng tồn kho và được đánh giá là yếu tố quyết định đến sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Nhà máy của SMIC tại Thượng Hải
Được thành lập vào năm 2000 bởi Richard Chang, một người Mỹ gốc Đài Loan từng làm việc tại Texas Instruments, SMIC đặt mục tiêu cạnh tranh với TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Để thu hút nhân tài, SMIC đã xây dựng khu nhà ở với trường học quốc tế và nhà thờ gần nhà máy. Chỉ trong 4 năm, SMIC đã xây dựng các nhà máy mới và trở thành nhà máy đúc chip lớn thứ 3 thế giới, sản xuất chip theo hợp đồng cho nhiều công ty như Qualcomm, Broadcom và Texas Instruments.
Mối quan hệ giữa SMIC và chính phủ Trung Quốc ngày càng chặt chẽ, với các cổ đông lớn là các công ty nhà nước. Đến năm 2015, hơn một nửa ghế trong hội đồng quản trị của SMIC thuộc về những cá nhân có quan hệ mật thiết với chính phủ. Trung Quốc đã đầu tư hơn 150 tỷ USD vào ngành công nghiệp chip, trong đó có quỹ đầu tư 47 tỷ USD công bố vào tháng 5 để mở rộng nhà máy. SMIC hiện vận hành hơn 10 cơ sở sản xuất chip và đang lên kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 10 cơ sở nữa.
Vi xử lý cao cấp Kirin 9000S trên Huawei Mate 60 Pro 5G là sản phẩm của SMIC
Vi xử lý Kirin 9000S, được xem là bước tiến của ngành sản xuất chip nội địa Trung Quốc, là sản phẩm của SMIC. Chip này đã góp phần quan trọng vào sự trở lại của Huawei với Mate 60 Pro 5G vào tháng 8/2023. Chiếc điện thoại này đã trở thành hiện tượng ở Trung Quốc và gây bất ngờ cho cộng đồng công nghệ quốc tế, bởi Huawei bị cấm vận và không thể tiếp cận kiến trúc xử lý mới cũng như thiết bị quang khắc tiên tiến.
Theo Bloomberg, SMIC sản xuất chip hiện đại nhất của Huawei với công nghệ từ Apply Materials và Lam Research - hai công ty Mỹ. Phát hiện này đã khiến Mỹ thận trọng hơn, bởi trước đó họ cho rằng Trung Quốc chưa thể sản xuất chip với tiến trình 7 nm.
New York Times cho rằng lệnh cấm của Mỹ có thể được “bỏ qua” bằng cách bán thiết bị kém tiên tiến hơn cho SMIC thông qua giấy phép đặc biệt và các công ty con. Điều này cho thấy SMIC vẫn có thể tiếp tục phát triển.
Hàng rào được xây cao hơn, nhưng chúng tôi vẫn mở cổng trước, cổng bên và cổng sau
Jimmy Goodrich, cố vấn cấp cao về phân tích công nghệ của RAND cho biết.
SMIC vẫn tiếp tục thu hút khách hàng từ Bắc Mỹ, chiếm khoảng 1/6 doanh thu của công ty. Lượng nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc đã tăng 53% trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.
Bên trong chiếc Huawei Pura 70
Để hạn chế SMIC sản xuất chip tiên tiến cho Huawei, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi thông báo đình chỉ giấy phép bán linh kiện cho nhà máy tiên tiến nhất của SMIC vào cuối năm 2023. Mỹ cũng đang soạn thảo các quy tắc chặt chẽ hơn và thúc đẩy Hà Lan và Nhật Bản ngừng cung cấp thiết bị cho SMIC.
Tuy nhiên, việc thực hiện lệnh trừng phạt này không dễ dàng, bởi SMIC hợp tác với các công ty Mỹ và ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này. Năm 2022, khi Quốc hội Mỹ cố gắng cấm Lầu Năm Góc mua sản phẩm có chứa chip SMIC, các nhà sản xuất xe hơi và công ty vũ khí đã phản đối vì các thành phần này được sử dụng trong chuỗi cung ứng của họ.
Chris Miller, tác giả cuốn “Chip War - Cuộc chiến vi mạch”, nhận định:
Họ muốn nói rõ ràng rằng việc loại bỏ SMIC khỏi hoạt động kinh doanh sẽ gây thiệt hại cho các công ty Mỹ.