Shein - gã khổng lồ thời trang nhanh và những góc khuất
Tháng 10 năm ngoái, một công nhân kho hàng của Shein tại miền nam Trung Quốc đã đăng tải video lên nền tảng Bilibili, chia sẻ về ca làm việc của anh. Anh đã chọn và đóng gói 650 món đồ trong một ca, không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí là đi vệ sinh. Mục tiêu của anh là kiếm đủ 10.000 nhân dân tệ, tương đương gần 1.500 USD/tháng, nhưng điều này đồng nghĩa với việc hy sinh sức khỏe và thể lực. Anh chỉ có thể đạt được mục tiêu này bằng cách từ bỏ những quyền cơ bản nhất của một người lao động.
Câu chuyện của anh không phải là cá biệt. Trên nền tảng video Kuaishou, một công nhân khác cũng than phiền về việc kiệt sức sau ca làm việc 11 tiếng rưỡi, mệt đến mức không thể nhấc nổi tay. “Lần đầu làm việc ở ngành logistics và chắc chắn sẽ không có lần thứ hai”, anh chia sẻ trong video.
Những câu chuyện này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, gây ra làn sóng phẫn nộ. Người dùng lên án quy trình logistics tàn nhẫn của Shein, quy trình này đã giúp gã khổng lồ thời trang nhanh tung ra hàng nghìn sản phẩm mới mỗi ngày, cung cấp hàng triệu chiếc áo thun giá 3 USD hay quần legging giá 5 USD cho người tiêu dùng toàn cầu.
Tốc độ này không phải là kết quả của bất kỳ “phép màu" công nghệ nào, mà là sản phẩm của sức lao động của hàng nghìn công nhân làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Dưới vẻ hào nhoáng của một gã khổng lồ thương mại điện tử trị giá 66 tỷ USD, những điều kiện lao động tồi tệ trong chuỗi cung ứng của Shein dần được phơi bày.
Khác với Amazon, vốn xây dựng các trung tâm hoàn thiện đơn hàng gần các khách hàng để tối ưu hóa thời gian giao hàng, Shein chủ yếu vận chuyển đơn hàng từ Trung Quốc. Chiến lược này của Shein bị chỉ trích vì lợi dụng kẽ hở để né tránh thuế nhập khẩu tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Theo nhiều công nhân, Shein tiết kiệm chi phí nhân công thông qua hệ thống lao động theo thời vụ, không đảm bảo những quyền lợi và bảo hiểm cho người lao động như luật pháp Trung Quốc quy định. Cụ thể, Shein áp dụng hệ thống “dispatch labor” (lao động ký gửi), thuê lao động thông qua các cơ quan tuyển dụng bên ngoài. Cách làm này giúp Shein né tránh trách nhiệm trực tiếp, đẩy gánh nặng về lương bổng, bảo hiểm và điều kiện làm việc cho các đại lý.
Lu Zhang, phó giáo sư tại Đại học Temple, cho biết:
Hệ thống này tách rời mối quan hệ giữa việc làm với người sử dụng lao động thực tế. Nó giúp các công ty sử dụng lao động theo nhu cầu mà vẫn cắt giảm được chi phí.
Nhiều nhân viên kho hàng của Shein là công nhân hợp đồng nên họ không được đảm bảo mức lương theo giờ cố định Theo luật pháp Trung Quốc, chỉ 10% số nhân viên của một công ty được phép là lao động ký gửi. Tuy nhiên, nhiều công ty, trong đó có Shein, đã lách luật bằng cách sử dụng các hình thức hợp đồng thuê ngoài khác.
Shein tuyên bố tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn trong ngành, nhưng từ chối tiết lộ tỷ lệ lao động ký gửi. Do nhiều công nhân của Shein được phân loại là lao động tự do, họ không được đảm bảo mức lương giờ cố định. Lương của họ phụ thuộc vào năng suất làm việc, tương tự như tài xế Uber hay nhân viên giao đồ ăn.
Mô hình “làm nhiều, hưởng nhiều” có thể tạo động lực cho công nhân làm việc chăm chỉ để kiếm thu nhập cao hơn, nhưng cũng dẫn đến rủi ro thu nhập không ổn định khi số đơn hàng giảm sút, Wired nhận định.
Đây cũng là điều mà nhiều video của công nhân đã phản ánh. Trong một video trên nền tảng Xigua, công nhân Shein đã than phiền vì không thể kiếm đủ tiền do “lượng hàng hóa không đủ”.
Shein khẳng định luôn đảm bảo đối xử công bằng và tôn trọng nhân viên trong chuỗi cung ứng, đồng thời đầu tư hàng chục triệu USD vào việc nâng cao quản trị. Tuy nhiên, những lời kể của công nhân lại cho thấy một thực tế trái ngược.
Các nhân viên tại các kho hàng Shein chỉ kiếm được từ 7.000-12.000 nhân dân tệ/tháng. Con số này tuy cao hơn mức lương tối thiểu ở Trung Quốc, nhưng không đủ để trang trải cuộc sống với khối lượng công việc nặng nề và căng thẳng mà họ phải đối mặt hàng ngày.
Shein đã công khai nhiều cuộc kiểm toán về các nhà cung cấp của mình, nhưng chưa bao giờ đề cập đến việc sử dụng lao động ký gửi trong các báo cáo tác động xã hội và bền vững. Điều này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của công ty trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Shein không phải là công ty duy nhất sử dụng lao động ký gửi tại Trung Quốc. Nhiều thương hiệu lớn khác như Foxconn (đối tác của Apple) hay Amazon từng bị tố cáo vì sử dụng lao động ký gửi vượt quá giới hạn cho phép.
Phó giáo sư Zhang cho biết ước tính hiện có khoảng 40 triệu công nhân điều phối ở Trung Quốc, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động tính đến năm 2022.
Khi số lượng đơn đặt hàng của Shein giảm, tiền lương của công nhân cũng giảm
Hệ thống lao động ký gửi tại Trung Quốc phát triển mạnh sau khi chính phủ nước này ban hành luật lao động mới vào năm 2008, bảo vệ quyền lợi cho người lao động chính thức. Luật này yêu cầu các công ty phải cung cấp hợp đồng viết tay và trả tiền trợ cấp nghỉ việc cho nhân viên chính thức.
Nhiều công ty đã chuyển sang mô hình lao động ký gửi để lách luật và tận dụng lực lượng lao động tạm thời. Điều này giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tăng giảm số lượng lao động khi cần thiết mà không phải chịu các chi phí và rủi ro pháp lý khi thuê nhân viên chính thức.
Đối với Shein, mô hình này rất phù hợp với chiến lược kinh doanh “thời trang theo yêu cầu” của họ. Công ty này tung ra hàng nghìn sản phẩm mới mỗi ngày và chỉ đặt số lượng nhỏ cho từng sản phẩm từ các nhà cung cấp.
Nếu sản phẩm nào bán chạy, hệ thống phần mềm của Shein sẽ tự động thông báo cho nhà máy để sản xuất thêm. Không thể phủ nhận mô hình này giúp Shein giảm thiểu lãng phí và giữ giá thành thấp, nhưng nó lại đẩy các nhà cung cấp và công nhân vào tình trạng bấp bênh về thu nhập và yêu cầu phải thích nghi liên tục với sự tăng giảm bất thường của đơn hàng.