Drogba và cuốn tự truyện “Didier Drogba: Portrait of A Hero”

Didier Drogba, biệt danh “Voi rừng”, là một trong những cầu thủ được ngưỡng mộ nhất châu Âu với lối chơi ấn tượng và những bàn thắng cho Chelsea. Anh dẫn đầu thế hệ vàng của bóng đá Bờ Biển Ngà, cùng với những cái tên như Kolo và Yaya Toure, Didier Zokora, Aruna Dindane. Họ đã đưa Bờ Biển Ngà lần đầu tiên góp mặt tại World Cup năm 2006, giữa lúc đất nước đang chìm trong cuộc nội chiến khốc liệt.

“Không ai hỏi người ghi bàn đến từ dân tộc nào"

Cuộc nội chiến nổ ra vào tháng 9/2002, giữa lực lượng nổi dậy ở miền bắc ủng hộ chính trị gia Ouattara và chính phủ của Tổng thống Gbagbo. Miền bắc Bờ Biển Ngà, nơi sinh sống của người Hồi giáo (chiếm 39% dân số), là quê hương của anh em nhà Toure. Trong khi đó, miền nam, bao gồm Abidjan, thành phố lớn nhất, và Yamoussoukro, thủ đô, chủ yếu là người Cơ đốc (chiếm 33% dân số), nơi Drogba sinh ra.

Chiếc cúp Champions League mùa hè 2012 với Chelsea là đỉnh cao trong sự nghiệp của Drogba.

Cuộc nội chiến đã chia cắt Bờ Biển Ngà, đất nước từng được coi là thịnh vượng hàng đầu châu Phi với nguồn khoáng sản và nông sản dồi dào, bao gồm cả vị trí là nước xuất khẩu ca cao số 1 thế giới. Tuy nhiên, nó không chia cắt đội tuyển quốc gia và tình yêu của người dân với bóng đá. Mỗi khi đội tuyển thi đấu, người dân Bờ Biển Ngà tạm gác lại thù hận, cùng hướng về màn hình.

Drogba và những điều chưa kể Drobga với chiến tích lớn nhất sự nghiệp: chiếc cúp Champions League mùa hè 2012 với Chelsea

Tôi, Toure hay Dindane đến từ dân tộc khác nhau, nhưng chúng tôi không tránh mặt nhau, hoàn toàn không, không có căng thẳng nào cả. Khi đội tuyển thi đấu, không có ai ra đường, mọi người đều ngồi trước tivi, và khi bạn ghi bàn, không ai hỏi người ghi bàn đến từ dân tộc nào

HLV của Bờ Biển Ngà khi đó là Henri Michel, một cựu danh thủ Pháp từng dẫn dắt Pháp, Cameroon, Morocco dự World Cup. Bờ Biển Ngà nằm trong bảng đấu vòng loại World Cup 2006 gồm hai đội mạnh là Cameroon và Ai Cập, cùng với Libya, Sudan, Benin. 6 đội tranh giành một suất duy nhất.

Họ thua Cameroon 0-2 ở trận lượt đi vào tháng 7/2004. Trận lượt về tại Abidjan, cũng là lượt áp chót vòng loại, họ tiếp tục để thua Cameroon 2-3, tụt xuống vị trí thứ hai với 19 điểm, kém Cameroon 1 điểm. Lượt đấu cuối cùng vào tháng 10/2005, Bờ Biển Ngà hoàn thành nhiệm vụ với chiến thắng 3-1 tại Sudan, và chờ đợi kết quả của Cameroon. Trong khi đó, Cameroon trên sân nhà tiếp đón Ai Cập để giành 3 điểm cần thiết để đến Đức.

Cameroon dẫn bàn ở phút 20. Nhưng ở phút 80, họ bị Ai Cập gỡ hòa. Ở phút bù giờ thứ 5, Olembe bị phạm lỗi trong vòng cấm, Cameroon được hưởng quả phạt đền. Tuy nhiên, Eto’o, chân sút lừng danh, lại không thực hiện cú đá như thường lệ. Thay vào đó, hậu vệ Wome bước lên, cú sút của anh dội cột dọc ra ngoài. Cameroon bị loại khỏi World Cup. Địa ngục cho Cameroon, thiên đường cho Bờ Biển Ngà.

“Chúng tôi muốn hạnh phúc, hãy ngừng nổ súng"

Các cầu thủ Bờ Biển Ngà tập trung ở giữa sân tại Omdurman, Sudan. Họ vây quanh một người quay phim kết nối điện thoại di động với một người bạn ở Abidjan để xem trực tiếp trận đấu của Cameroon. Khi quả phạt đền bị bỏ lỡ, hành động đầu tiên của họ là quỳ xuống sân cầu nguyện cho hòa bình.

Drogba và những điều chưa kể Drobga góp công lớn vào tiến trình hòa giải dân tộc ở Bờ Biển Ngà

Hỡi những người đàn ông, phụ nữ ở khắp mọi miền đất nước Bờ Biển Ngà, hôm nay chúng tôi chứng tỏ rằng mọi người dân có thể sống và vui chơi cùng nhau vì một mục đích chung là vượt qua vòng loại World Cup", Drogba cầu khẩn, “Chúng tôi hứa rằng World Cup sẽ đoàn kết mọi người. Hôm nay, chúng tôi quỳ gối xin tất cả người dân hãy tha thứ, tha thứ và tha thứ. Một quốc gia châu Phi giàu có không nên lao vào cuộc chiến như vậy. Vậy nên, xin hãy hạ vũ khí, tổ chức bầu cử và mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

Các cầu thủ sau đó đứng dậy, gương mặt rạng rỡ và hát bài hát với điệp khúc “Chúng tôi muốn hạnh phúc, hãy ngừng nổ súng”. Bài cầu nguyện của Drogba sau chiến thắng đã thuyết phục chính phủ và lực lượng vũ trang đối lập ngừng bắn, mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình. Đầu năm 2007, hai bên ký thỏa thuận hòa bình chính thức và Tổng thống Gbagbo tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Tiến trình hòa bình sau đó không hoàn toàn suôn sẻ. Cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào năm 2005 phải chờ 5 năm sau mới diễn ra. Kết quả tranh cãi của cuộc bầu cử năm 2010 đã châm ngòi cho một vòng xoáy bạo lực mới. Tuy nhiên, những nỗ lực kiến tạo hòa bình, chấm dứt nội chiến của đội bóng Bờ Biển Ngà vẫn luôn được ghi nhận. Lãnh tụ đối lập Ouattara đắc cử tổng thống năm 2010 và vẫn cầm quyền cho đến nay.

Trận đấu đi vào sách kỷ lục bóng đá quốc tế

Tháng 1/2006, Drogba và các đồng đội tham dự giải vô địch châu Phi (CAN) tại Ai Cập. Drogba ghi 2 bàn trong 2 trận đầu tiên ở vòng bảng giúp đội tuyển thắng Morocco 1-0 và Libya 2-1. Chắc suất vào vòng sau, HLV Michel cất Drogba và các trụ cột ở trận cuối cùng gặp đội chủ nhà, vì lo ngại họ bị thêm thẻ phạt và sẽ bị treo giò ở vòng đấu loại trực tiếp. Bờ Biển Ngà thua Ai Cập 1-3, và phải gặp lại Cameroon ở trận tứ kết.

Drogba và những điều chưa kể Trả lời báo chí phương tây, nhiều người dân Bờ Biển Ngà cho rằng hình tượng của Drogba còn lớn hơn tổng thống nước nhà, anh đã đóng góp nhiều tiền để tái thiết đất nước

90 phút đầu tiên, trận đấu diễn ra tẻ nhạt và bị ngắt quãng bởi nhiều pha phạm lỗi. Đến hiệp phụ, trận đấu mới trở nên kịch tính, mỗi đội ghi được một bàn thắng. Sau đó là loạt sút luân lưu 11 m, được ghi vào sách kỷ lục là loạt sút dài nhất trong lịch sử bóng đá quốc tế. 22 cầu thủ trên sân, bao gồm cả hai thủ môn, đều thực hiện thành công các cú sút, tỷ số hòa 11-11 gần như không thể tin nổi.

Thế là bắt đầu một loạt sút mới, Eto’o bước lên và sút bóng vọt xà ngang. Drogba, người đã có một trận đấu hay hơn nhiều so với đối thủ lừng lẫy của mình, bình tĩnh tiến lên và kết thúc trận đấu gay cấn với tỷ số 12-11. Trong một trận tứ kết khác diễn ra cùng ngày, Nigeria đánh bại Tunisia 6-5 trên chấm luân lưu 11 m. Tổng cộng, bao gồm cả những cú sút hỏng, 40 cú sút 11 m đã được thực hiện trong hai trận đấu.

Drogba ghi bàn duy nhất giúp Bờ Biển Ngà hạ Nigeria ở bán kết. Ở trận chung kết, họ gặp lại Ai Cập. Đáng tiếc, Drogba lại trở thành “nhân vật phản diện” trong trận này. Anh bỏ lỡ một cơ hội vàng khi sút bóng vọt xà ngang vào cuối trận. Tỷ số 0-0 sau 120 phút, loạt sút luân lưu 11 m tiếp theo, Drogba sút hỏng cú đầu tiên, Bờ Biển Ngà thua trận.

Các cầu thủ bất ngờ khi hàng nghìn người có mặt tại sân bay Abidjan để chào đón họ. Họ mất 4 giờ đồng hồ mới di chuyển được từ sân bay về sân vận động trung tâm thành phố. Drogba cũng được hâm mộ đặc biệt ở Mali, quê hương của vợ anh, Lalla Diakite. Anh được tổng thống Mali đón tiếp như thượng khách, người dân Mali đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của Bờ Biển Ngà trước Cameroon như thể đó là chiến thắng của đội tuyển quốc gia họ.

Bờ Biển Ngà nằm trong “bảng tử thần” tại World Cup 2006. Drogba ghi bàn vào lưới Argentina, nhưng không đủ để cứu đội khỏi trận thua 1-2. Trận thua 1-2 tiếp theo trước Hà Lan khiến họ bị loại khỏi giải đấu. Drogba nhận mỗi trận một thẻ vàng và bị treo giò.

Robben, đồng đội của Drogba tại Chelsea, nhận xét Bờ Biển Ngà là đội bị loại mạnh nhất. Tuy nhiên, họ đã để lại dấu ấn ở trận đấu cuối cùng bằng màn lội ngược dòng ngoạn mục, bị Serbia dẫn trước 2-0 sau 20 phút đầu tiên, Bờ Biển Ngà đã kết thúc trận đấu với chiến thắng 3-2. Kể từ khi Đức thắng Anh 3-2 tại World Cup 1970, đến năm 2006, mới có một màn lội ngược dòng như vậy.

Bài viết được cập nhật lần cuối

Tin bóng đá mới nhất